Thúc đẩy hợp tác công- tư: Để công nghiệp văn hóa không còn là mỏ quặng

VHO - Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 thu hút hàng vạn du khách; nhiều không gian đầy sức hút hiện hữu tại Đà Lạt, Hội An là những địa chỉ thành phố sáng tạo “mới toanh” trong mạng lưới của UNESCO; những công trình văn hóa tầm cỡ được các doanh nghiệp đầu tư… đang tiếp tục khẳng định hiệu quả từ sự hợp tác công - tư, để “mỏ vàng” công nghiệp văn hóa ngày càng sinh sôi, phát triển.

Thúc đẩy hợp tác công- tư: Để công nghiệp văn hóa không còn là mỏ quặng - Anh 1

 Hội An trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO

 Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, phát triển CNVH cần huy động các cấp, các ngành, các địa phương cùng vào cuộc, huy động được sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Hiện thực hóa “giấc mơ”…

Nguồn thu từ các ngành CNVH ngày càng cho thấy “giấc mơ” có doanh thu dồi dào từ lĩnh vực này đang hiện thực hóa rõ nét. Thế nhưng, để “mỏ quặng” này được khai thác, phát huy mạnh mẽ hơn, các chuyên gia văn hóa, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này đều cho rằng, cần có cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự hợp tác công - tư. Những cái bắt tay giữa Nhà nước, tư nhân sẽ không chỉ kiến tạo thêm nguồn lực mà còn đa dạng hóa những ý tưởng sáng tạo, để các lĩnh vực, không gian văn hóa ngày càng đĩnh đạc kiếm ra tiền, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Từ thực tế, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, CNVH muốn phát triển cần sự hợp tác chặt chẽ, hoạt động liên thông giữa các lĩnh vực như thiết kế sáng tạo, văn hóa dân gian, điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, triển lãm, sân khấu, du lịch, ẩm thực, thời trang... Càng nhiều giá trị độc đáo, sức lan tỏa trong cộng đồng càng lớn, nguồn thu từ “sức mạnh mềm” càng gia tăng. Đơn cử, với chuỗi hoạt động tại lễ hội thiết kế sáng tạo do Hà Nội và các tổ chức, cá nhân phối hợp tổ chức trong năm 2023, những con số được công bố khiến người trong cuộc cũng không khỏi bất ngờ. Chỉ trong 12 ngày lễ hội, có tới 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu; 26.000 vé tàu được bán cho hành khách trải nghiệm chuyến tàu di sản… Những không gian vốn rơi vào quên lãng bỗng bừng tỉnh và tỏa sáng, khẳng định giá trị từ những sáng tạo không đường biên.

Bà Trương Uyên Ly (nhà nghiên cứu độc lập về không gian văn hóa sáng tạo) chia sẻ, trong bối cảnh nền CNVH Việt Nam, các không gian sáng tạo giống như “những ngọn hải đăng” hay tác nhân thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế, văn hóa và xã hội, nơi cung cấp nguồn lực sáng tạo, nơi các tổ chức, cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức cơ quan ngoại giao và phi chính phủ có thể tìm kiếm những tài năng nổi trội để hợp tác, chia sẻ, học hỏi chuyên môn để trải nghiệm những sản phẩm và dịch vụ sáng tạo. Tại Việt Nam, sự phát triển của các không gian văn hóa sáng tạo đang diễn ra đầy hứng khởi. Từ 40 không gian sáng tạo vào năm 2014 đã tăng lên khoảng trên dưới 200 không gian vào năm 2021 và trên 200 không gian vào năm 2023. “Mối quan tâm đến các không gian sáng tạo từ các tập đoàn hay công ty lớn cũng có chiều hướng càng gia tăng. Một số tập đoàn như VinGroup, SunGroup, Sovico, Flamingo Group cùng một số công ty lớn khác đã và đang xây dựng những dự án không gian sáng tạo quy mô. Bên cạnh đó, những năm gần đây cũng ghi nhận có sự phát triển khá mạnh mẽ của các bảo tàng nghệ thuật tư nhân và các nhà sưu tập nghệ thuật cá nhân ở Việt Nam…”, bà Uyên Ly nhấn mạnh.

Nhìn nhận sức mạnh “hái ra tiền” từ các không gian sáng tạo trong phát triển CNVH, các chuyên gia cũng nhận định còn có bất cập để phát huy giá trị của những không gian này, trong đó có khoảng trống về hợp tác công - tư. Theo bà Uyên Ly, hiện không có tư cách pháp lý đặc thù nào dành cho những không gian văn hóa sáng tạo. Dưới hệ thống thuế và luật doanh nghiệp, họ có thể là “hộ kinh doanh”, “công ty trách nhiệm hữu hạn”, “công ty cổ phần”, trong khi với cộng đồng, họ quảng bá cho mình như một tổ chức phi lợi nhuận, một tổ chức giáo dục, một tập hợp các nghệ sĩ, một không gian làm việc chung, hay chỉ đơn giản là một “không gian sáng tạo”. “Nhận thức về sức mạnh của CNVH và các đặc thù của không gian văn hóa sáng tạo trong tổng thể kinh tế sáng tạo còn chưa đồng đều. Chưa có sự quyết liệt và chuyển biến thực sự từ chính sách, đặc biệt là cải tiến về thuế và hạn mức chi trong hợp tác công - tư…”, bà Uyên Ly nói.

Đề xuất lấp “khoảng trống”

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, phát triển CNVH không phải nhiệm vụ của riêng Bộ, ngành nào mà cần huy động các cấp, các ngành, các địa phương cùng vào cuộc, huy động được sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Trong những năm qua, CNVH thu hút được ngày càng nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp, người lao động, các nhà sáng tạo. Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong thực hiện các dự án, công trình văn hóa lớn đã bồi đắp bức tranh phát triển CNVH Việt Nam nhiều mảng màu tươi sáng. Sự xuất hiện của nhiều công trình văn hóa mới như các Nhà hát, Công viên văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao… hiện đại, có quy mô lớn, đa chức năng được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư cho thấy đây là hướng đi đúng đắn.

Trong những bất cập, hạn chế, khó khăn của phát triển các ngành CNVH, không thể bỏ qua việc đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nhiều nhà sáng tạo, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNVH cho rằng, cần hoàn thiện thêm những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng vào các lĩnh vực CNVH, đặc biệt nhằm xây dựng, phát triển thêm hệ thống hạ tầng văn hóa phục vụ các mục tiêu phát triển. Các chính sách có thể về ưu đãi thuế, ưu tiên cho các hoạt động, tiếp cận đất đai… Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group Nguyễn Thái Hoài Anh nhấn mạnh, quy hoạch CNVH cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản trong phạm vi cả nước, sau đó phân chia tới từng vùng, tỉnh, đơn vị một cách đồng bộ và phù hợp. Lãnh đạo tập đoàn này cũng chia sẻ, trên thực tế, hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và mời gọi các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các dự án về văn hóa, du lịch đòi hỏi các nhà đầu tư phải chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, thời gian thu hồi vốn chậm… Vì vậy, đại diện doanh nghiệp đề nghị với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa. Đồng thời có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án công trình văn hóa như Nhà hát, Trung tâm Thể dục thể thao, Công viên văn hóa… theo hình thức đối tác công - tư.

Lấy ví dụ cụ thể từ mong muốn đầu tư xây dựng nhà hát tại khu vực bán đảo Quảng An, Hồ Tây, bà Hoài Anh cho biết, SunGroup đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, mời kiến trúc sư người Ý là Renzo Piano thiết kế một mẫu ấn tượng, dựa trên vẻ đẹp và văn hóa lịch sử của Hà Nội cũng như những huyền tích của hồ Tây. “Nếu được triển khai Nhà hát đa năng tại khu vực bán đảo Quảng An thì đây không đơn thuần là một công trình kiến trúc văn hóa đẳng cấp, biểu tượng của Thủ đô thời kỳ mới mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang linh hồn Hà Nội, là điểm đến của thế giới và là niềm tự hào của công trình văn hóa đương đại. Tuy nhiên tới nay, dự án vẫn đang nằm trên bản vẽ…”, bà An chia sẻ.

Những ví dụ và khoảng trống trên thực tế cho thấy, từ những quy định mang tính pháp lý sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn trong hợp tác công tư để phát triển CNVH. Mỗi triển lãm, chương trình biểu diễn, các sự kiện văn hóa hay các đề án, dự án, những công trình văn hóa mang dấu ấn thời đại… đều có thể huy động đa dạng các nguồn lực, trong đó việc thúc đẩy hợp tác công - tư sẽ mang lại lợi ích thiết thực cũng như sự phát triển bền vững. 

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc